Cấp thiếp xây dựng hành lang pháp lý cho Di sản tư liệu (Bài 2): Những khoảng trống và sự bất cập

VHO - Di sản tư liệu không chỉ được đánh thức mà còn cần được bảo vệ, phát huy bởi một hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ. Hiện tại, trước khi những di sản tư liệu có thể kể câu chuyện sinh động của chính mình thì đang có nhiều bất cập nảy sinh từ khoảng trống pháp lý đối với loại hình di sản này.

Cấp thiếp xây dựng hành lang pháp lý cho Di sản tư liệu (Bài 2): Những khoảng trống và sự bất cập - Anh 1

 Các triển lãm về di sản tư liệu ngày càng thu hút đông đảo công chúng Ảnh minh họa

Mong manh, nhạy cảm và dễ tổn thương, những di sản tư liệu phong phú, đa dạng cần sớm được nhận diện, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị.

“Thức giấc” di sản tư liệu

Từ năm 2006, sau khi tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO đến nay, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu, thể hiện qua nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và các cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, sở hữu di sản tư liệu nói riêng. Sau 9 di sản đã được Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO ghi danh, còn có 2 hồ sơ di sản tư liệu đang nộp đề cử vào Danh sách Di sản tư liệu thế giới, Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Bộ sưu tập tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Vân và Cửu đỉnh hoàng cung Huế.

Di sản tư liệu, theo UNESCO, là di sản của quá khứ để lại cho thế giới trong hiện tại và tương lai. Không chỉ phong phú, đa dạng mà đây còn là khối tài sản lớn, chứa đựng tiếng nói từ ký ức đang được hậu thế gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa giá trị. Tại nhiều địa phương, dòng họ, cá nhân…, có nhiều cách để đánh thức những di sản này, phát huy sức mạnh mềm văn hóa và tạo động lực cho sự phát triển. Tại làng Trường Lưu (Hà Tĩnh), nhận thức tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của 3 di sản sau khi được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh, việc bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu này được chú trọng. Mộc bản Trường Phúc Giang (Mộc bản Trường Lưu, ghi danh năm 2016) hiện được lưu giữ tại Thư viện dòng họ Nguyễn Huy (làng Trường Lưu, xã Trường Lộc, huyện Can Lộc) và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh.

Cùng được lưu giữ tại Thư viện dòng họ Nguyễn Huy là di sản Hoàng hoa sứ trình đồ, ghi danh năm 2018. Gần nhất là di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (1689-1943), được ghi danh năm 2022. Theo GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, các di sản tư liệu này bên cạnh giá trị về văn hóa, lịch sử thì còn là những tác phẩm độc đáo, thời gian qua đã được chú trọng bảo vệ, phát huy giá trị. Mộc bản trường Phúc Giang hiện còn 383 bản, được bảo quản, gìn giữ chu đáo tại tư gia dòng họ Nguyễn Huy. Ban gia tộc dòng họ đã họp bàn kế hoạch về việc biên dịch, phiên âm tài liệu từ 12 tập sách in rập, đồng thời triển khai phối hợp số hóa. Di sản tư liệu Hoàng hoa sứ trình đồ cũng đã được xuất bản các tập sách, triển lãm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, TP Hội An… Tại lễ đón bằng ghi danh với di sản Văn bản Hán Nôm (tháng 6.2023), những báu vật mang thông điệp từ quá khứ đã được trưng bày tại triển lãm về 3 di sản tư liệu này.

Ngay sau khi thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2016, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế có nhiều nỗ lực bảo tồn di sản. Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc SởVHTT Thừa Thiên Huế, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Nguyễn hiện còn tồn tại khoảng hơn 2.500 đơn vị ô hộc thơ văn chữ Hán. Đây là những áng thơ văn tinh túy được tuyển chọn từ sáng tác của các vị vua, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn. Các áng thơ này được thể hiện trên gỗ, pháp lam, vôi vữa, đồng; được chạm khắc, khảm cẩn, viết, đắp nổi; nhiều thể thư chữ Hán: triện, lệ, thể, hành, thảo...; trang trí trên các công trình kiến trúc Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, lăng vua Minh Mạng, điện Long An, lăng vua Thiệu Trị, lăng vua Dục Đức, lăng vua Đồng Khánh, lăng vua Khải Định, cung An Định để tạo nên sự độc đáo riêng có của phong cách kiến trúc thời Nguyễn...

Thời gian qua, các hình thức quảng bá, tuyên truyền được đổi mới và mởrộng. 2.547 đơn vị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được quay phim, chụp ảnh, số hóa để lưu trữ, phòng tránh những tình huống đáng tiếc cũng như hạn chế việc sử dụng tư liệu gốc. Ấn phẩm “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” cũng đã được ra mắt như một dấu ấn cho hành trình 5 năm di sản Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được công nhận di sản tư liệu thế giới (2016-2021). Hiện Sở VHTT Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổng kiểm kê di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. “Chúng tôi tiến hành điền dã thực địa để đánh giá kiểm kê lại hệ thống di sản ở Thừa Thiên Huế, trong đó có di sản tư liệu. Từ đó tạo cơ sở khoa học đưa ra danh mục di sản tư liệu tại Thừa Thiên Huế, tiến tới xây dựng hồ sơ đưa vào danh mục di sản tư liệu quốc gia, di sản Ký ức thế giới…”, theo ông Hải.

Cấp thiếp xây dựng hành lang pháp lý cho Di sản tư liệu (Bài 2): Những khoảng trống và sự bất cập - Anh 2

 Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Những cái khó chờ giải quyết

Khẳng định, tôn vinh, nhưng chỉ thế thôi là chưa đủ. Giới chuyên gia nhấn mạnh, để di sản ngủ yên là lãng phí, chưa kể nguy cơ mai một, bị hủy hoại theo thời gian. Đơn cử, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với đặc thù nằm trên những công trình cổ, hiện vẫn đang chịu tác động của thời gian, khí hậu. Các cơ quan chuyên ngành bảo quản, bảo tồn đang nỗ lực nghiên cứu, giữ gìn bằng nhiều biện pháp, đặc biệt là sơn thếp bằng chất liệu truyền thống, hoặc sơn son thếp bằng vàng thật ởcác công trình quan trọng, bảo quản các bức tranh và thơ văn trên pháp lam, tôn tạo, giữ gìn những bức tranh thơ ghép bằng sành sứ…

Lãnh đạo ngành văn hóa Thừa Thiên Huế cũng cho biết, kết quả đợt kiểm kê di sản tư liệu tại TP Huế năm 2022 cho thấy phần lớn các loại tài liệu thuộc tư gia như sắc phong, chế phong, tài liệu cổ… Mặc dù các cá nhân, tổ chức đang được giao quản lý tài liệu đều ý thức rõ giá trị của tài liệu và chú ý giữ gìn nhưng một số nơi cất giữ chưa đúng cách: ép plastic để bảo vệ sắc phong, hoặc cất vào túi nilon cuộn lại, phần nào ảnh hưởng đến tuổi thọ của tài liệu, dễ gây ẩm mốc, giòn gãy, mủn mục... Một số tài liệu thuộc loại minh văn không có nhà che bia bảo quản nên không tránh khỏi tình trạng bị mòn mờ, mất nét. Các tài liệu bằng gỗ như câu đối, hoành phi, mộc bản chịu tác động trực tiếp từ nhiệt độ, độ ẩm của môi trường nên có nguy cơ bị mối mọt, ẩm mục, bong tróc chi tiết trang trí. Các tài liệu trên chất liệu đồng có nguy cơ bị oxi hóa làm mất chữ, gãy mục. Đặc biệt, tài liệu không thuộc dạng văn bản ở những nơi không có điều kiện bảo quản rất dễ bị huỷ hoại bởi tác động trực tiếp của môi trường và sự xuống cấp của di tích…

Cấp thiếp xây dựng hành lang pháp lý cho Di sản tư liệu (Bài 2): Những khoảng trống và sự bất cập - Anh 3

 Mộc bản trường Phúc Giang

Với hàng loạt nguy cơ, các nhà nghiên cứu còn lưu ý, thực tế có rất nhiều di sản tư liệu được lưu giữ ởcác địa phương, dòng họ, gia đình. Công tác bảo tồn rất bất cập khi không ít chủ nhân di sản nhận thức chưa đúng. Thậm chí, cả cán bộ văn hóa ởcơ sởcũng chưa hiểu rõ về di sản tư liệu. Một phần nguyên nhân của thực trạng này được chỉ rõ là do di sản tư liệu chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh, bảo vệ và phát huy. Tại dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) do Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng, đã có một chương quy định về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu được bổ sung. Đây là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia và dư luận đồng tình. Nhiều ý kiến khẳng định, việc đưa loại hình di sản tư liệu vào dự Luật có ý nghĩa quan trọng để tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị. Thông qua những quy định pháp luật, di sản tư liệu có thể được phân loại, đưa ra tiêu chí nhận diện, tiến hành quy trình kiểm kê, ghi danh, đồng thời phân định rõ vai trò trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá trình bảo vệ, phát huy giá trị.

Theo GS.VS Nguyễn Huy Mỹ, điểm nổi bật của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là đã đưa vào phần quản lý di sản tư liệu, cùng các quy định về di sản vật thể và phi vật thể. Di sản tư liệu có thể nói là khá mới so với nhận thức của cộng đồng, bởi vậy, vấn đề tuyên truyền cho cộng đồng hiểu để bảo vệ, đề cử các danh hiệu và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản tư liệu là khá quan trọng. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về di sản tư liệu, TS Vũ Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, quy định mới loại hình di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết với các quy định từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản tư liệu; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu...

 Quy định mới loại hình di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để điều chỉnh hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị là phù hợp và cần thiết với các quy định từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình, thủ tục, thẩm quyền quyết định ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh…

(TS VŨ THỊ MINH HƯƠNG, Phó Chủ tịch Ủy ban Ký ức thế giới UNESCO Khu vực châu Á - Thái Bình Dương)

PHƯƠNG ANH

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc